Đây là câu hỏi mà mình thường xuyên được hỏi, và mình đoán cũng
là thắc mắc của rất nhiều bạn. Vì thế hôm nay mình chia sẻ một số kinh nghiệm
luyện IELTS Listening nhé. Câu trả lời của mình sẽ đi sâu vào BẢN CHẤT VẤN ĐỀ, sau đó
ĐƯA RA CÁCH GIẢI QUYẾT.
Xem thêm bài viết sau:
VẤN ĐỀ
Để có thể giải quyết bất kỳ một vấn đề gì, thì việc đầu tiên là phải nghiên cứu
bản chất của nó. Vậy đâu là nguyên nhân chính của việc “làm Listening mà ta cứ
đơ như cây cơ”?
1. Vốn từ vựng của bạn chưa đủ
Để nghe hiệu quả, thì trong vốn từ vựng của bạn phải có đủ một lượng từ nhất
định. Nếu bạn không biết quá nhiều từ, thì chắc chắn sẽ không thể nào nghe
được.
2. Bạn biết từ vựng, nhưng bạn phát âm không chuẩn
Một vấn đề dẫn đến việc nghe không chính xác là do phát âm của bạn chưa chuẩn.
Có những từ rất quen thuộc, nhưng do phát âm không đúng dẫn đến não bạn xử lý
sai.
Ví dụ: một từ mà mình thấy các bạn thường đọc sai nhất là
purchase có phiên âm /ˈpɜːtʃəs/ (tạm đọc theo “kiểu Việt Nam” là “pớ-chợt-s”,
nhưng mình thấy rất nhiều bạn đọc nhầm thành “pờ-chây”. Chính vì cách đọc chưa
chuẩn xác này, nên lúc nghe mà gặp đúng từ này, thì chắc chắn sẽ không nghe
được dù các bạn biết rất rõ nó.
CÁCH HỌC
Đã có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ về cách luyện Listening, tuy nhiên mình
thấy các bài chia sẻ này ít khi đề cập đến việc lựa chọn tài liệu. Vì thế, hôm
nay mình sẽ hướng dẫn cách các bạn chọn tài liệu phù hợp với mình.
1. Xác định đúng trình độ
Lý do để chọn đúng trình độ là vì nếu các bạn chọn những cuốn có trình độ quá
cao, thì khi nghe, các bạn cảm giác như nghe 1 tràng pháo nổ, hay một thứ ngôn
ngữ ngoài hành tinh nào đó, vì tốc độ nói quá nhanh, và quá nhiều từ vựng khó.
Do vậy các bạn phải chọn đúng trình độ cho mình.
“Cơ mà tôi chẳng biết trình độ của tôi mức nào hết, làm sao mà
chọn?”. Không sao cả, bạn lấy đại vài bài Listening test trong cuốn Cambridge
ra làm, rồi tính trung bình cộng ra, thế là bạn nhắm chừng được bạn ở mức nào
rồi. Vd: Tôi lấy cuốn Cambridge ra, tôi làm thử 3 bài Listening Test và kết quả
được là 1 con 5 và 2 con 6. Như vậy trung bình của tôi là 5.67 ~6. Vậy tôi ở
mức 6. (PS: để quy điểm từ số câu đúng sang điểm IELTS, các bạn có thể vào đây http://ielts.calculator.free.fr/)
Ngoài ra, các bạn cũng có thể chọn trình độ cho mình dựa vào các
phân cấp như: elementary (tương đương IELTS khoảng 4.0), pre-intermediate
(5.0), intermediate (6.0), upper-intermediate (7.0), advanced (8.0). Ghi chú:
việc quy đổi này là do mình tự ước lượng, chỉ mang tính chất tham khảo.
2.
Chọn sách thế nào?
Trên thị trường có rất nhiều loại sách khác nhau, và chúng ta bị rối tung không
biết nên chọn cuốn nào cho tốt. Với kinh nghiệm của mình, cách tốt nhất là chọn
những nhà xuất bản lớn, cây đa cây đề trong ngành. Vd như Cambridge, Oxford,
Pearson, Collin, vân vân. Tác giả của chúng là các giáo sư được trả lương vài
trăm ngàn USD mỗi năm, sao phải xoắn về chất lượng nhỉ?
Có
được nhà xuất bản rồi, các bạn cứ thể mà chọn sách đúng trình độ của mình. Như
vậy sẽ vừa sức và đảm bảo không đuối.
PS: các bạn chỉ chọn 1-2 quyển thôi, rồi cày nát nó, thì mới hiệu quả. Mình
thấy căn bệnh “đao (download) để đó” hơi phổ biến, mà mình là bệnh nhân cấp độ
3 nên mình biết rất rõ.
Các bạn download về hiếm khi đụng, hay chỉ xem vài trang rồi bỏ. Tâm lý thì lúc
nào cũng nghi ngờ tài liệu mình đang học còn “dở”, và liên tục update tài liệu
mới. Rốt cục sau khi tốn nhiều thời gian thì không tiến bộ được nhiều. Nói
chung bệnh nhân nặng như mình thì hiểu rõ lắm
3.
Luyện nghe thế nào
Bước 1: Để giải quyết tình trạng vốn từ, các bạn phải học từ. Đừng cứ làm test
này qua test nọ, mà chẳng đoái hoài gì một chút đến việc học. Việc làm test chỉ
giúp các bạn kiểm tra trình độ thôi. Còn việc tiến bộ là do các bạn học từ. Đây
cũng là lý do tại sao mình bảo các bạn phải chọn trình độ cho phù hợp, chứ nghe
1 bài mà có 100 từ mới keng, chắc … chớt!
Vì thế, sau khi nghe xong, các bạn chịu khó lật tape script ra,
xem từ nào không biết và lôi nó thành list và học, học, và học.
Bước 2: Biết từ là một việc, nghe được là chuyện khác. Chúng ta
cần có 1 quá trình chuẩn hóa lại phát âm. Từ nào bạn nghi ngờ về phát âm, các
bạn lật từ điển ra để nghe xem nó được phát âm thế nào.
Bước 3: Chép chính tả. Bạn đừng cứ làm test xong bỏ qua test
khác. Bạn làm từ từ thôi, cứ làm 1 test xong, sau khi check kết quả (nhớ ghi
chú lại để sau này xem mức độ tiến bộ của mình), bạn nghe lại và chép chính tả.
Từ nào nghe không được thì lấy tape script ra dò. Sau đó, nghe lại toàn bộ xem
thử mình có nghe được trọn vẹn cả bài không (tôi nhấn mạnh ở sự trọn vẹn, không
để sót từ nào)
Sau đó, cứ cách 1 tuần cứ nghe lại nó, cũng xem thử xem mình có
nghe được trọn bài không. Cứ làm như vậy trong 2 tháng, nghe cho nó nhão như
cháo. Rồi sau giai đoạn 2 tháng đó, bạn lôi ra chép chính tả 1 lần nữa.
Mình đảm bảo nếu bạn làm đúng chỉ dẫn, thì cứ sau 1 chu kỳ 2
tháng, bạn sẽ tăng lên 0.5 band (cho những bạn dưới band 7.0, trên mức này thì
cần lâu hơn)